Nhà gỗ cổ truyền là một phần trong nên văn kiến trúc lâu đời của người việt. Những quy cách của nhà gỗ đòi hỏi những tiêu chuẩn riêng về kích thước, tỷ lệ các cấu kiện, hoa văn trang trí. Một trong số đó là thước tầm – bản vẽ thu nhỏ của nhà gỗ. Nó là một phần không thể thiếu trong ngôi nhà gỗ Việt Nam.
Tìm hiểu thêm: Nét đẹp của nhà gỗ 3 gian 2 chái cổ truyền.
1. Thước tầm nhà gỗ là gì
Thước tầm (xào mực – xuất hiện trong lễ phạt mộc nhà gỗ) là một sáng tạo tài tình và độc đáo của ông cha ta. Nó được xem là một bản thiết kế thu nhỏ truyền thống của ngôi nhà gỗ. Thước tầm được làm từ cây tre. Nó sẽ được đánh dấu bằng mực để ghi lại các kích thước chủ yếu của vì kèo và của bộ khung nhà. Điều này rất có ích cho việc sửa chữa ngôi nhà gỗ sau này.
Loại tre sử dụng làm cây thước tầm là cây trưởng thành, thân thẳng, đốt tre đều. Có đường kính khoảng 5-6cm và có chiều dài hơn chiều cao của cột. Khi sử dụng làm thước tầm tre sẽ được chẻ ra làm đôi. Phần dùng làm thước sẽ được ngâm nước trong một khoảng thời gian dài. Điều này giúp cho thước có độ bền chắc, dẻo dai và không bị nứt vỡ.
2. Ý nghĩa của cây thước tầm đối với nhà gỗ cổ truyền
Như ta đã nói ở phía trên, thước tầm là một vật không thể tách rời nhà gỗ cổ truyền. Từ những công trình nhà gỗ 3 gian hay những mẫu nhà cổ truyền khác, tất cả các kích thước của công trình sẽ dựa theo thước tầm. Cây thước tầm không chỉ mang ý nghĩa ghi chép, đánh dấu lại kích thước của ngôi nhà. Mà nó còn là tư liệu giúp ích trong việc cải tạo, tu bổ nhà gỗ của các thế hệ sau con cháu sau này diễn ra thuận lợi.
Bên cạnh đó, cây thước tầm là minh chứng thể hiện những giá trị cốt lõi và xưa cũ. Đây là những nét đẹp tinh hoa mà cha ông để lại. Chúng ta cần gìn giữ và bảo vệ nó. Cho dù trên thị trường hiện nay đã xuất hiện nhiều sự thay thế khác.
3. Những đặc điểm riêng biệt của cây thước tầm
Ngoài những ý nghĩa mà nó mang lại, thước tầm có những đặc điểm riêng biệt độc đáo. Nhờ đó mà thước tầm được sử dụng xuyên suốt từ thời xa xưa của cha ông truyền lại cho đến ngày nay.
Cấu tạo
Trên cây thước tầm có thể tạm chia làm hai phần: phần tuyệt đối và phần tương đối ( phần cứng và phần mềm). Chứa những mã quy ước kích thước nhất định, đồng thời cũng tạo nên sự ràng buộc chặt chẽ giữa chủ nhà và thợ cũng như giữa thợ cả và thợ phụ.
Phần tuyệt đối
Phần này bắt buộc người thợ cả và thợ phụ đều phải tuân thủ. Dấu mã trên mặt lưng thước sẽ ghi các thông số về độ rộng lòng nhà gỗ, bao gồm:
- Trung câu (giữa câu): ký hiệu điểm giữa của lòng nhà
- Khoán câu: khoảng cách tim 2 cột cái
- Khoán nách: khoảng cách từ tim cột cái đến tim cột quân
- Khoán hiên: khoảng cách từ tim cột quân đến tim cột hiên
Dấu mã trên mặt bụng thước thì ghi các thông số về độ cao của nhà gỗ:
- Giọt nước (mày tàu): khoảng cách từ mép dưới mái hiên xuống mặt nền.
- Dạ hoành cột hiên: khoảng cách từ điểm dưới hoành ở cột hiên xuống mặt nền.
- Dạ nách: khoảng cách từ bụng dưới xà nách, xà nối cột hiên với cột quân xuống mặt nền.
- Dạ hoành cột quân: khoảng cách từ bụng của hoành ở đầu cột quân xuống mặt nền.
- Dạ hoành cột cái: khoảng cách từ bụng của hoành ở đầu cột cái xuống mặt nền.
- Dạ câu: là khoảng cách từ mặt bụng câu đầu xuống mặt nền.
- Dạ nóc: là khoảng cách từ mặt bụng thượng lương xuống mặt nền.
Ngoài các dẫu mã cơ bản trên, còn có thêm một vài mã khác. Tuy nhiên, những mã này không thể hiện kích thước mà là để phân biệt các phần trong vì. Một cây thước tầm được ghi đầy đủ kích thước thì được coi là “thước đủ”. Nếu thiếu một vài thông số thì được gọi là “thước tắt”.
Phần tương đối
Không giống như phần tuyệt đối, phần tương đối giữa các thợ thường thiên biến vạn hóa. Tuy nhiên vẫn theo những quy luật cơ bản như: Thêm bớt chỉ tiết trong một số quy ước, đơn giản hay bay bướm theo cảm quan và tay nghề, … Tăng giảm số lượng các đơn vị mã trên thước tầm.
Ký hiệu trên cây thước tầm nhà gỗ cổ truyền
Trong lòng máng tre sẽ ghi những ký hiệu cho phép xác định những khoảng đứng, khoảng ngang và khoảng chảy của những ngôi nhà gỗ 3 gian hay nhà gỗ 5 gian. Từ đó ấn định được kích thước của các bộ phận như chiều cao cột cái, cột con và cột hiên. Bên cạnh đó thì cây thước sào còn được gia chủ ghi tên và ký lên đó.
Tỷ lệ đẹp trên thước tầm
Trong kiến trúc cổ Việt Nam, tất cả các kích thước tính của công trình nhà gỗ 2 tầng cổ truyền hay 3 gian, 5 gian,… đều dựa theo thước tầm, một cây thước được tính theo kích thước cơ thể gia chủ. Đây là một điều độc đáo. Theo cách phân tích cái đẹp tỷ lệ thhì thước tầm là modulor của kiến trúc cổ Việt Nam. Nó cũng tương tự như modulor của kiến trúc Hy Lạp, tạo ra vẻ đẹp hình học tinh tế như độ dốc mái, tỉ lệ chiều cao mái với phần chân cột, sự thích hợp với người gia chủ.
4. Vị trí cất giữ của thước tầm nhà gỗ
Vào ngày tân gia (lễ hoàn thành hay còn gọi là lễ lạc thành, lễ gài xào), gia chủ tiến hành làm lễ cúng nhằm báo cáo với tổ tiên, thần linh, thổ địa. Người thợ cả có nhiệm vụ đặt cây thước tầm lên vị trí cao nhất dưới nóc nhà giữa 2 vì kèo để lưu giữ.
Vị trí đặt cây thước tầm cho thấy sự quan trọng của nó đối với ngôi nhà gỗ cổ truyền. Nhằm thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ cây thước sào được bền lâu.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cần biết về thước tầm mà chúng tôi muốn chia sẻ. Hy vọng bài viết đã giúp quý vị hiểu hơn về cây thước tầm và ý nghĩa của nó trong kiến trúc dân gian. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì về thi công nhà gỗ hay tư vấn thiết kế nội thất gỗ với nhiều phong cách khác nhau như thiết kế nội thất Indochine, hiện đại, tân cổ điển… hay đóng các sản phẩm nội thất gỗ hãy liên hệ với để được tư vấn miễn phí nhé!